Văn hóa ứng xử trong lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp

Khi nói “văn hóa ứng xử”, là nói tới những cái hay, cái đẹp được tích lũy thành giá trị, thành chuẩn mực trong ứng xử và giao tiếp hàng ngày. Có nhiều mối quan hệ trong văn hóa ứng xử. Hôm nay, tôi chỉ nói đến văn hóa ứng xử trong quan hệ thầy-trò trong môi trường giáo dục nghề nghiệp.

Tôi muốn nhắc lại hình ảnh người thầy xưa luôn là chuẩn mực của cái hay, cái đẹp, cái mực thước, nghiêm túc, của sự kính trọng và lòng biết ơn trong học sinh – sinh viên và toàn xã hội.

Điều này được thể hiện ở tri thức, phẩm chất và đạo đức của người thầy. Từ cách đi, đứng, nói năng, ăn mặc, ứng xử với những người xung quanh, từ những bài giảng mỗi ngày thầy lên lớp, từ cách thầy dạy dỗ và rèn kỷ năng cho trò. Tại ngôi trường của tôi có rất nhiều bạn sinh viên chịu ảnh hưởng từ những thế hệ người thầy như thế, đến hôm nay các bạn ấy đã trưởng thành, có bạn đứng trên bục giảng lại tiếp tục giảng dạy và có ảnh hưởng tích cực đến những thế hệ học sinh - sinh viên sau này. Đó là hạnh phúc của người thầy, là điều mà cho dù trong xã hội nào, trong hoàn cảnh nào, cũng nên duy trì và phát huy.

Lãnh đạo Nhà trường tham gia Hội thảo Văn hóa ứng xử trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp năm 2020

 

Hội thảo Văn hóa ứng xử trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp năm 2020

Người thầy, trong giai đoạn hiện nay, kiến thức nền tảng vững vàng, có nhiều kỹ năng rất tốt, năng động và sẵn sàng hội nhập, nhưng có một số ít đã có lúc, có nơi, có những biểu hiện chưa tốt ít nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh - sinh viên.

Theo tôi, có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân chính là do mặt trái của kinh tế thị trường đã len lõi vào môi trường sư phạm nói chung và lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nói riêng.

Thầy giáo, ngoài nhiệm vụ giảng dạy còn làm thêm bên ngoài (chân trong chân ngoài), nên sự tâm huyết, tận tụy đầu tư cho chuyên môn ở một chừng mực nhất định.

Một giờ lên lớp của Giảng viên nhà trường

Những tiết giảng sâu sắc về nội dung, điêu luyện về kỹ năng, để các em nể phục, những tiết giảng truyền cảm hứng bởi người thầy ngày càng ít, vì thầy còn phải tất bật lo cho cơm áo gạo tiền, lo cho con học thêm, lo vật giá đắc đỏ… Có những thầy giáo dùng sinh viên vào những công việc của công ty riêng, công việc của cá nhân, và đương nhiên tốt nếu như ở đó sinh viên được làm thêm, được trang bị những kiến thức liên quan đến nghề nghiệp, được thực tập và được thầy giáo trả công cho công việc mình làm. Nhưng trong thực tế có những trường hợp lợi ích của sinh viên chưa được quan tâm đúng mức. Điều này, làm cho quan hệ giữa thầy và trò “ứng xứ văn hóa” đôi khi thiếu chuẩn mực.

Một giờ lên lớp của Giảng viên nhà trường

 

Một giờ lên lớp của Giảng viên nhà trường

Lý do khác, quan hệ thầy - trò hiện nay về khoảng cách khác với trước. Mối quan hệ này gần gũi hơn, thân thiện hơn, sinh viên hiện nay không phải khép nép chào thầy, rụt rè chào thầy, kể cả phản biện của sinh viên về một vấn đề nào đó đều có sự tìm hiểu, các em rất tự tin thể hiện quan điểm của mình, điều này là tốt nếu như thầy biết lắng nghe, động viên và khuyến kích còn sinh viên trao đổi trên tinh thần khoa học và cầu thị.

Thực tế thầy cô xưng hô với nhau, xưng hô với sinh viên, có lẽ do thói quen, nhiều khi suồng sã thái quá (ông bà, mày tao…). Thầy cô đối xử với nhau, đôi khi không chuẩn mực, thậm chí lên zalo, facebook nói xấu nhau. Thầy cô  đối xử với sinh viên không công bằng, Thầy cô vốn là tấm gương cho sinh viên noi theo, gương không trong, sinh viên sẽ không noi theo được mà cũng không có tình cảm tốt. Ví dụ như thầy nói mà không làm hay làm không đúng. Ra đường thầy bảo đừng vi phạm Luật An toàn giao thông đường bộ mà bản thân thầy vi phạm; Một điều nữa cũng rất quan trọng, thầy cô là người truyền đạt, cung cấp kiến thức cho sinh viên, nhưng những hạn chế về chuyên môn, năng lực giảng dạy, sẽ làm giảm đi vị thế của thầy cô trong lòng sinh viên rất nhiều. Nhiều em sinh viên, sau này khi trưởng thành, vẫn ấn tượng mãi với những bài dạy sâu sắc, bởi cách truyền đạt lý thú, bởi cả tính cẩn thận của thầy.

Cũng cần thấy rằng, hiện nay một số vấn đề “ứng xử văn hóa” trong nhà trường, không phải hoàn toàn do lỗi thầy cô, có nhiều lý do khác trong đó có lỗi từ phía học sinh - sinh viên. Các em chịu tác động rất nhiều từ truyền thông và Internet kể cả mặt tích cực và tiêu cực, lối sống thực dụng, lối sống kiểu phương Tây đã phá vỡ những giá trị của văn hóa Việt Nam, từ những giá trị về truyền thống yêu nước, truyền thống lao động, truyền thống nhân nghĩa đến những ứng xử, giao tiếp hàng ngày, từ đầu tóc, ăn mặc, nói năng… Hay sinh viên lo làm thêm kiếm thu nhập lơ là việc học, sinh viên ăn chơi, đua đòi, phai nhạt lý tưởng, không có ước mơ, hoài bão… đã làm mất đi những giá trị truyền thống.

Giảng viên Nhà trường tham gia tư vấn hướng nghiệp cho Học sinh

Trước thực trạng đó, cần có những giải pháp gì?

Ngày 03/10/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1299/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018- 2025”. Mục tiêu chung là “Tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần xây dựng con người Việt Nam: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”. Điều này cho thấy, văn hóa ứng xử trong trường học là vấn đề hết sức quan trọng, được cả xã hội quan tâm.

Theo tôi, để đề án đi vào cuộc sống thầy cô giáo chúng ta phải ý thức được nghề nghiệp của mình, đây là nghề quan trọng, đặc thù vì nó liên quan đến con người, giáo dục đạo đức, góp phần hình thành nhân cách con người. Một nhà hiền triết đã nói: Làm thầy địa lý sai giết chết một dòng họ, làm thầy thuốc sai giết chết một người, làm giáo dục sai giết chết một thế hệ, cho nên câu nói  “làm thầy cho ra trò” luôn đúng cho mọi giai đoạn. Làm thầy cho xứng đáng với danh xưng mà xã hội ghi nhận, nghề thầy giáo là nghề cao quý. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nói “Giáo dục một người thầy tốt, được cả một thế hệ”. Cho nên, người thầy ngoài việc phải giỏi về chuyên môn cần phải rèn luyện đạo đức, luôn ý thức mình phải chuẩn mực trong lời ăn, tiếng nói, trang phục, cử chỉ, xứng đáng là tấm gương sáng cho học sinh - sinh viên noi theo.

Về phía nhà trường, ngoài việc nâng cao giáo dục tư tưởng chính trị, giáo dục đạo đức, phải xây dựng môi trường học tập thân thiện ở đó người làm lãnh đạo, quản lý, những người làm công tác phục vụ trong môi trường giáo dục hết lòng vì học sinh - sinh viên, phải tôn trọng, lắng nghe và tạo điều kiện tốt nhất để các em học tập.

Lãnh đạo Nhà trường tham gia lớp bồi dưỡng Đối tượng Đoàn

Phải có chính sách khuyến khích, động viên, khen thưởng kịp thời những học sinh - sinh viên tích cực trong mọi hoạt động phong trào, sinh viên có những việc làm ý nghĩa có sức lan tỏa.

Các tổ chức đoàn thể tổ chức nhiều sân chơi qua đó tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho các em, lồng ghép vào đó là những câu chuyện văn hóa, ứng xử văn hóa, câu chuyện đời thật, cũng như nổ lực phấn đấu vươn lên trong học tập và rèn luyện.

Giảng viên Nhà trường tham gia Ngày hội Mừng Đảng - Mừng Xuân

 

Sinh viên tham gia các hoạt động ngoại khóa

 

Sinh viên tham gia hiến máu tình nguyện

Về phía học sinh - sinh viên không ngừng nổ lực học tập, rèn luyện về chuyên môn, tay nghề, trang bị cho mình nhiều kỹ năng và phải thấy được đạo đức, ứng xử văn hóa rất cần thiết trong cuộc sống, cho công việc và nghề nghiệp của các em sau này, tất cả đều do tích lũy, do rèn luyện mà nên.

Sinh viên tham gia thi học sinh giỏi tay nghề

 

Sinh viên tham gia thi học sinh giỏi tay nghề

 

Sinh viên tham gia thi học sinh giỏi tay nghề

TS. Võ Thị Tuyết Nhung