GDNN Bình Định: Tăng cường nâng tầm kỹ năng lao động và hợp tác đào tạo quốc tế

GDNN Bình Định: Tăng cường nâng tầm kỹ năng lao động và hợp tác đào tạo quốc tế

Đó là một trong những ý kiến mà ông Tô Xuân Giao – Ủy viên Ban thường vụ Hiệp hội Giáo dục Nghề nghiệp và Nghề Công tác xã hội đã phát biểu tại các buổi làm việc trong tuần qua với 3 trường Cao đẳng thuộc tỉnh Bình Định bao gồm: Cao đẳng Cơ điện – Xây dựng – Nông lâm Trung Bộ, Cao đẳng Y tế Bình Định và Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn.

Theo số liệu gần đây của Tổng Cục thống kê, số lao động chưa qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ, chưa được công nhận trình độ (kỹ năng, đào tạo) là 73,9%… theo đó bộ phận lao động này sẽ phải làm việc ở khu vực công việc giản đơn, hiệu suất thấp. Trong cơ cấu đào tạo, trình độ cao đẳng, trung cấp còn thấp. Kỹ năng, tay nghề, ngoại ngữ của lao động Việt Nam còn thấp so với lao động trong khu vực và thế giới. Hiệu suất lao động Việt Nam đang đứng ở vị trí gần cuối trong các nước khu vực ASEAN.

Đây là một trong những rào cản trong tiếp cận thị trường lao động thời công nghệ 4.0 và cũng khó khăn trong công tác thực hiện công cuộc chuyển đổi số. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải nhanh chóng phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao hiệu suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Đối với Đề án “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” theo yêu cầu tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/05/202 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ông Tô Xuân Giao cho rằng, cần phải phát triển nâng tầm kỹ năng và năng lực hành nghề của người lao động Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, phát triển các kỹ năng cơ bản, nền tảng cho người lao động, thúc đẩy phát triển cùng với các nước trong khu vực và quốc tế.

Ông Tô Xuân Giao phát biểu trong buổi làm việc tại trường Cao đẳng Y tế Bình Định.

Hiệu suất của người lao động Việt Nam cần được chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo và có kỹ năng nghề, kỹ năng người lao động. Điều này có nghĩa là trước tiên cần phải nâng cao chuẩn hóa đội ngũ giáo viên GDNN, gia tăng những Trung tâm đánh giá kỹ năng nghề Quốc gia, bên cạnh đó cũng cần đưa các doanh nghiệp vào trong Hội đồng đánh giá để mang tính thực thi cao hơn.

Theo tính toán, thị trường lao động trong mô hình tăng trưởng mới ở Việt Nam đến năm 2025 có 66 triệu người, trong đó 75% làm việc trong khu vực công nghiệp, dịch vụ. Đây sẽ là thị trường lao động hiện đại với nhiều ngành nghề mới, đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng mới. Một số nghiên cứu thị trường lao động trong trung hạn cho thấy, trong 10 đến 15 năm tới, do tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, của tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, sẽ có một phần ba công việc hiện tại thay đổi và cần khoảng 1,5 triệu nhân lực công nghệ số. Số lao động trong nông nghiệp sẽ giảm xuống và lao động có bằng cấp, chứng chỉ đến năm 2030 phải đạt khoảng 40%.

Đây là một thách thức lớn để các trường nghề cần phát triển hơn nữa các ngành nghề chất lượng cao và xây dựng là trường chất lượng cao. Việt Nam cũng nằm trong xu thế hình thành mạng lưới trường nghề chất lượng cao trong quá trình thực hiện khi thực hiện cơ cấu lại hệ thống các trường nghề. Quá trình này giúp đào tạo nhân lực tay nghề cao, từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường; nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GDNN trong đó có việc cần thiết phát triển mảng Quan hệ Quốc tế liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài để đưa giáo viên cũng như các sinh viên học sinh có điều kiện nâng cao trình độ ngoại ngữ và tiếp cận học và làm việc tại môi trường nước ngoài.

Ông Tô Xuân Giao làm việc với trường Cao đẳng Cơ điện – Xây dựng và Nông lâm Trung bộ

Theo ông Vũ Xuân Phong – Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cơ điện – Xây dựng – Nông lâm Trung Bộ, một trong những trường định hướng lên trường chất lượng cao của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Tổng Cục GDNN cho biết, hiện nay trường đang có lưu lượng khoảng 3.000 sinh viên, học sinh đang theo học tại trường, tập trung chủ yếu ở các ngành nghề kỹ thuật, nông lâm, cơ điện, điện lạnh, công nghệ ô tô, xây dựng…

Đối với công tác đào tạo, mở rộng quan hệ quốc tế trong công tác giảng dạy cũng như khuyến khích các em đi thực tập sinh tại nước ngoài, trường luôn mong muốn có cơ hội được hợp tác, liên kết để tổ chức các chương trình đào tạo nâng cao nhất là đối với mảng quan hệ quốc tế nhằm tăng cường trình độ ngoại ngữ, cập nhật kiến thức mới cho đội ngũ giáo viên và tạo điều kiện cho các em học sinh. sinh viên được mở mang tầm mắt.

Tuy nhiên, tại khu vực miền Trung, tâm lý các bậc phụ huynh luôn lo lắng cho con em mình về điều kiện học tập, nơi ăn chốn ở, độ an toàn tin cậy đối với các tổ chức nước ngoài…khi đi học xa. Vì thế, số lượng các thực tập sinh đi là chưa nhiều nên ông hy vọng Hiệp hội GDNN sẽ là cầu nối để có thể giúp cho trường có được những đối tác là các tổ chức, doanh nghiệp có uy tín trong và ngoài nước…

Bên cạnh đó, ông Trần Đình Đạt – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Bình Định cũng chia sẻ thêm, ngành y là một trong những ngành đòi hỏi năng lực học tập của sinh viên cao, vì thế nhằm giúp cho sinh viên có được kỹ năng tốt nhất ngay khi ra trường, BGH nhà trường cũng đã từng làm việc và hợp tác nhiều chương trình với các đối tác là Nhật Bản và Đức để đưa thực tập sinh sang học tập và làm việc tại Nhật và chương trình chuyển đổi bằng cấp chứng chỉ của Đức.

CĐ Y tế Bình Định đã hợp tác nhiều chương trình với các đối tác là Nhật Bản và Đức để đưa thực tập sinh sang học tập và làm việc

Mặt khác, vấn đề tài chính là vấn đề lớn nhất mà gia đình các em đưa lên hàng đầu, phải “cân đong đo đếm”, chọn lựa như thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh, “túi tiền” của mỗi gia đình. Ông hy vọng với những lần làm việc sắp tới với Hiệp hội GDNN, trường sẽ có những ký kết biên bản ghi nhớ để có thể triển khai các chương trình liên kết mới với các đối tác tại Úc trong điều kiện tốt nhất dành cho du học sinh và thực tập sinh Việt Nam.

“Việc hợp tác quốc tế trong GDNN là xu thế tất yếu, các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc là những thị trường tốt, thu nhập cao, ổn định”. Trao đổi thêm về vấn đề này, ThS. Phạm Văn Tường – Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn cũng nhấn mạnh: “Vấn đề đưa sinh viên, thực tập sinh các trường có thể tự chủ chương trình đào tạo. Nếu nhà nước có cơ chế và có đơn vị đầu mối thì sẽ dễ thực hiện hơn và nhà trường sẽ phối hợp để tuyển thực tập sinh ngay trong quá trình học tại trường”.

Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn có lưu lượng học sinh sinh viên là khoảng 3.500 em với 30 ngành nghề đào tạo

Được biết, trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn có lưu lượng học sinh sinh viên là khoảng 3.500 em với 30 ngành nghề đào tạo bao gồm cao đẳng và trung cấp và cũng là trường đang xây dựng những tiêu chí là trường Cao đẳng chất lượng cao.

Theo ông Tô Xuân Giao – Ủy Viên Ban thường vụ Hiệp hội GDNN và Nghề CTXH Việt Nam, công tác GDNN cần tăng cường hơn nữa trong việc nâng tầm kỹ năng lao động và hợp tác quốc tế. Đó cũng là một trong những định hướng công tác và tiêu chí của Hiệp hội cần làm ở tỉnh Bình Định, đồng thời nhân rộng ra trong hệ thống GDNN của toàn quốc.

Uyển Nhi

(Nguồn: https://nghenghiepcuocsong.vn)