Đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp để nâng cao phân luồng HS tốt nghiệp THCS vào học nghề

I. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG QUA 3 NĂM THỰC HIỆN PHÂN LUỒNG HỌC SINH TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC CƠ SỞ TỈNH BÌNH ĐỊNH

Căn cứ Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Ngày 14/5/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 về việc phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2018 - 2025".

Việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, trong đó việc giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh đã đặt ra nhiều năm nhưng kết quả thực hiện chưa đạt như mục tiêu đặt ra, xã hội vẫn nặng về “bằng cấp”, trong khi thực tiễn rất nhiều doanh nghiệp thiếu đội ngũ công nhân, kỹ sư, cử nhân cao đẳng có tay nghề phục vụ cho việc phát triển của doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung. Bên cạnh chất lượng thấp, cơ cấu nhân lực lao động của Việt Nam cũng còn nhiều bất cập lớn. Cơ cấu trình độ của nhân lực lao động Việt Nam là: 1 đại học trở lên/ 0,32 cao đẳng/ 0,61 trung cấp/ 0,37 sơ cấp. Trong khi đó, theo quy luật của thị trường lao động, những người lao động trực tiếp (trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng) phải nhiều hơn rất nhiều lần so với lao động gián tiếp (trình độ đại học). Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp ở Việt Nam. Tính đến hết tháng 3/3021, cả nước có 417,3 nghìn người có chuyên môn kỹ thuật bị thất nghiệp (chiếm 39,7%), nhưng người có trình độ đại học trở lên có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất [1]. Dưới góc độ bài viết này, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, đưa ra đánh giá thực trạng qua 3 năm thực hiện phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS trên địa bàn tỉnh Bình Định vào học nghề, từ đó xin đề xuất một số giải pháp để nâng cao phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) vào học tại các trường cao đẳng.

Ngày 30 tháng 9 năm 2019 Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 3517/QĐ-UBND Kế hoạch thực hiện Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2019 – 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định". Mục tiêu của Kế hoạch[2]:

1. Mục tiêu chung: Tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học các cấp trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể, trong đó:

STT

Nội dung

Năm 2019

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

1

Phấn đấu đạt tỷ lệ tối thiểu số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp.

5%

10%

15%

20%

25%

35%

40%

Sau ngày 30 tháng 9 năm 2019, cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trung cấp, cao đẳng) trên địa bàn tỉnh gồm 4 trường cao đẳng công lập (trong đó: 1 trường cao đẳng trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)[3]. Đến ngày 01 tháng 10 năm 2021 sáp nhập Trường Cao đẳng Bình Định vào Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn. Qua 3 năm thực hiện Quyết định số 3517/QĐ-UBND, thực trạng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh Bình Định như sau:

ĐVT: Học sinh(*)

Cơ sở đào tạo

2019-2020

2020-2021

2021-2022

1. Trường Cao đẳng Bình Định

43

120

Sáp nhập

2. Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn

514

626

1.279

3. Trường Cao đẳng Y tế Bình Định

0

0

0

4. Trường CĐ Cơ điện – XD và Nông lâm Trung bộ

22

40

52

Tổng cộng

579

786

1.331

(*) là học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề tại các trường

{Nguồn: từ các trường cung cấp}

Theo số liệu từ Cục thống kê tỉnh Bình Định[4] về học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở năm học 2019 – 2020: 21.961 học sinh; năm học 2020 – 2021: 22.516 học sinh; năm học 2021 – 2022 chưa có kết quả, tạm tính lấy số trung bình của 2 năm học trước là 22.238 học sinh.

So sánh kết quả học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục vào học trung cấp tại các trường cao đẳng trên điạ bàn tỉnh Bình Định[5]

STT

Nội dung

Năm học

2019-2020

Năm học

2020-2021

Năm học

2021-2022

Số lượng

Tỷ lệ

(%)

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Số lượng

Tỷ lệ (%)

1

Số học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các trường cao đẳng trong tỉnh

579

2,64%

786

3,49%

1.331

5,98%

Kết quả tính trường CĐKTCN QN

Với kết quả phân tích và tính toán trên, chúng ta nhận thấy việc học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp tại các trường cao đẳng trên địa bàn có sự tăng về số lượng, cụ thể: Năm học 2020-2021 tăng 35,7% so với năm học 2019-2020, năm học 2021-2022 tăng 69,3% so với năm học 2020-2021. Tuy nhiên so với Kế hoạch được phê duyệt tại Quyết định số 3517/QĐ-UBND thì mục tiêu cụ thể số học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các trường cao đẳng trong tỉnh chưa đạt mục tiêu đề ra. Trong đó năm học 2019-2020 đạt 2,64% so với chỉ tiêu 5%; năm học 2020-2021 đạt 3,49% so với chỉ tiêu 10%; năm học 2021-2022 (dự kiến) đạt 5,98% so với chỉ tiêu 15%. Có thể nhận thấy 3 năm học vừa qua chỉ đạt trung bình khoảng 40% so với mục tiêu trong Kế hoạch đã được phê duyệt. Để nâng cao chất lượng đạo tạo, tăng phân luồng trong đào tạo học sinh tốt nghiệp THCS vào học tại các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn xin đề xuất một số giải pháp.   

II. ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỂ NÂNG CAO PHÂN LUỒNG HỌC SINH SAU TỐT NGHIỆP THCS

1. Đối với Bộ ngành trung ương

- Các cơ quan trung ương cần có quy hoạch tổng thể về cơ cấu đào tạo: đại học, cao đẳng, trung cấp trên toàn quốc và phân theo vùng, miền nhằm góp phần đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội, tránh bị chồng chéo, lãng phí, giúp cho người học sau khi tốt nghiệp có việc làm theo chuyên môn được đào tạo.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có quy định 2 chương trình học văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN. Thứ nhất là chương trình 4 môn để người học trung cấp có thể liên thông lên cao đẳng. Thứ hai là chương trình được phép dạy 7 môn nếu người học có nhu cầu, để có thể sau này thi tốt nghiệp lấy bằng tốt nghiệp THPT, liên thông lên đại học. Mặt khác, cần có quy định điều kiện để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được triển khai chủ động việc dạy văn hóa THPT.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở Giáo dục và Đào tạo nên cho phép các cơ sở GDNN có điều kiện thành lập trung tâm GDTX. Việc liên thông không chỉ giới hạn trong GDNN, mà phải liên thông trong hệ thống đào tạo toàn quốc.

2. Đối với địa phương

Cần tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn nữa 7 nhóm giải pháp đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt trong Kế hoạch thực hiện Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2019 – 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định", đó là:

2.1. Nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông;

2.2. Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông;

2.3. Phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học;

2.4. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông;

2.5. Bổ sung, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông;

2.6. Huy động nguồn lực xã hội trong và ngoài nước tham gia giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông;

2.7. Tăng cường quản lý đối với giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông.

Trong các nhóm giải pháp trên, cần quan tâm đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cơ sở giáo dục phổ thông, cha mẹ học sinh, học sinh và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS. Cần có sự cam kết giữa cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và người học nhằm tạo đầu ra cho các em học sinh, sinh viên. Điều chỉnh tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung học phổ thông và học nghề. Lập kế hoạch giảm tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông phù hợp.

3. Đối với Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn

Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn tiền thân là Trường dạy nghề, được thành lập vào ngày 20/8/1962. Trải qua gần 60 năm hình thành và phát triển, Trường CĐ KTCN Quy Nhơn đã khẳng định thương hiệu về chất lượng, là địa chỉ tin cậy để học nghề - khởi nghiệp. Từ ngày 01/10/2021, Trường Cao đẳng Bình Định sáp nhập vào Trường CĐ KTCN Quy Nhơn, theo đó nhà trường đã tuyển sinh, đào tạo đa ngành nghề, đa lĩnh vực.

Lễ công bố Quyết đinh sáp nhập trường Cao đẳng Bình Định vào trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn

Hiện nay, Trường tuyển sinh 23 nghề (Hệ CĐ); 24 nghề (Hệ TC) và 12 nghề (Hệ SC). Trong danh mục nghề nhà trường đang tuyển sinh và đào tạo, các nghề thuộc lĩnh vực Kỹ thuật – Công nghệ như: Hàn; Cắt gọt kim loại (Công nghệ chế tạo chi tiết máy); Vận hành, sửa chữa thiết bị lạnh (Điện lạnh); Chế tạo thiết bị cơ khí;…. Chất lượng đào tạo của nhà trường luôn được các doanh nghiệp sử dụng lao động đánh giá cao với 95% học sinh - sinh viên ra trường có việc làm ngay. Trường đã từng bước vươn tầm ra khu vực, thế giới (liên kết với Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào, Úc, Đức).

Sinh viên Khoa Cơ khí vệ sinh, bảo dưỡng máy sau khi thực hành

Theo số liệu tuyển sinh hàng năm của Nhà trường, đối tượng người học tốt nghiệp THCS đều tăng qua các năm, học sinh khi vào học nghề được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước và của trường, đó là:

+ Được miễn học phí khi vào học nghề;

+ Được hưởng chính sách nội trú đối với học sinh sinh viên theo Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg ngày 20/20/2015 của Thủ tướng Chính phủ;

+ Nhà trường liên kết với Trung tâm GDTX-GDNN để đào tạo các môn văn hóa trong chương trình của Bộ GD&ĐT ban hành;

+ Cơ sở trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu đào tạo, các chương trình đào tạo xây dựng có tính liên thông nhằm tạo điều kiện cho sinh viên được học liên thông lên trình độ cao hơn;

+ Đảm bảo điều kiện chỗ ở ký túc xá cho sinh viên.  

KẾT LUẬN: Việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Trong đó phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS vào tiếp tục học tại các trường cao đẳng, trung cấp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018. Các địa phương đã cụ thể hóa bằng Kế hoạch chi tiết, đối với tỉnh Bình Định được phê duyệt tại Quyết định số 3517/QĐ-UBND ngày 30/9/2019. Để việc phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS đi tiếp vào học nghề như mục tiêu đã đề ra, thì cần sự điều hành chỉ đạo chung của tỉnh, cần sự phối hợp kịp thời giữa các sở ngành, địa phương, sự quan tâm của phụ huynh đối với xác định ngành nghề cho con em của mình, các trường cần nâng cao chất lượng đào tạo nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng cung cấp cho thị trường lao động./.

Lê Xuân Nguyên

Nguyễn Quốc Vỹ

Thông tin tuyển sinh Cao đẳng, Trung cấp - Năm 2022

http://tuyensinh.cdktcnqn.edu.vn/tin-tuyen-sinh/thong-tin-tuyen-sinh-cao-dang-trung-cap-nam-2022-10116


[1] Th.S Mai Thanh Hằng, Thực trạng và đề xuất một số giải pháp về nguồn lao động chất lượng cao của Việt Nam, Tạp chí Công thương số 8+9/2021

[2]Quyết định số 3517/QĐ-UBND ngày 30/9/2019 của UBND tỉnh Bình Định ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2019 – 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định".

[3] Trường CĐKTCN Quy Nhơn; Trường CĐBĐ; Trường CĐ YT BĐ; Trường CĐNLTB.

[4] Báo cáo thống kê giáo dục THCS năm học 2019-2020 và 2020-2021 của Cục Thống kê tỉnh Bình Định

[5] Từ năm học 2019-2020 trên địa bàn tỉnh không còn trường trung cấp. Tỷ lệ % qua từng năm học như sau: 579/21.961; 789/22.516; 1.331/22.238