Gắn kết doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn.

1. Tổng quan về Nhà trường

     Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn là trường có bề dày truyền thống trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Là trường dạy nghề được thành lập từ năm 1962, sau ngày thống nhất đất nước (năm 1975) Trường được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ đào tạo đội ngũ Công nhân kỹ thuật có tay nghề phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Miền Trung - Tây Nguyên. Trải qua gần 60 hình thành và phát triển, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn đã khẳng định thương hiệu về chất lượng, là địa chỉ tin cậy của người lao động học nghề - khởi nghiệp.

Do tạo lập được thương hiệu về chất lượng nên Trường được Chính phủ quan tâm đầu tư và lựa chọn là một trong 45 trường nghề được đầu tư đến năm 2020 trở thành Trường nghề chất lượng cao (Quyết định 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014); Bộ trưởng BLĐTBXH lựa chọn đầu tư 07 nghề trọng điểm (03 nghề đạt chuẩn Quốc tế; 02 nghề đạt chuẩn Khu vực; 02 nghề đạt chuẩn Quốc gia) tập trung vào các nhóm nghề kỹ thuật là những nghề truyền thống và thế mạnh của Trường (Quyết định 1836/QĐ-LĐTBXH ngày 27/11/2017). Hiện tại Trường đang đào tạo 02 nghề (Cơ điện tử, Điện tử công nghiệp) theo chương trình của học viện Chisholm (Australia) và được các chuyên gia Australia đánh giá xuất sắc về mọi mặt (Cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo; đội ngũ Nhà giáo, phương pháp giảng dạy; môi trường học tập). Sau khi hoàn thành khoá học sinh - viên (HSSV)  sẽ được cấp bằng Quốc tế (Australia).

Đặc biệt, Trường được Chính phủ lựa chọn là 01 trong 03 trường thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động (gọi tắt là Đề án thí điểm tự chủ) (Quyết định số 540/QĐ-TTg ngày 04/4/2016). Trường đã từng bước thực hiện đề án có hiệu quả, đã thực hiện tự chủ hoàn toàn về chi thường xuyên, hàng năm tiết kiệm cho ngân sách hàng chục tỷ đồng (tiết kiệm 30 tỷ đồng ngân sách giai đoạn 2016-2019, 100% cán bộ, giảng viên không hưởng lương từ ngân sách).

2. Kết nối doanh nghiệp là yêu cầu tất yếu duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

     Trường cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn có bề dày truyền thống, có thương hiệu về chất lượng, là địa chỉ học nghề - lập nghiệp tin cậy của người lao động. Hằng  năm, Trường tuyển sinh đào tạo và cung cấp hàng nghìn nhân lực kỹ thuật có kỹ năng nghề cao cho thị trường lao động. Chất lượng đào tạo luôn được các doanh nghiệp sử dụng đánh giá cao, 100% HSSV ra trường có việc làm. Trường đã từng bước vươn tầm ra khu vực, thế giới (liên kết với Thái Lan, Úc và giúp đỡ nước bạn Lào).

Xác định tự chủ là “nhiệm vụ sống còn” của nhà trường nên nhiệm vụ đào tạo và chất lượng đào tạo được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, kỹ năng nghề của người học cần phải có để nhanh chóng thích nghi với các yêu cầu tại mỗi vị trí việc làm trong doanh nghiệp.

Với lưu lượng HSSV của nhà trường từ 2.500 - 3.000 người tập trung vào nhóm nghề kỹ thuật và công nghệ, chương trình đào tạo đã được đổi mới. Thời lượng thực hành và thực tập chiếm 70% tổng thời gian đào tạo trong tất cả các nghề. Thực tập sản xuất tại doanh nghiệp là một nội dung bắt buộc trong chương trình đào tạo.

     Thông qua các hoạt động quảng bá tuyển sinh, nhà trường đã xây dựng thông tin đào tạo nghề các cấp trình độ, thông tin các khóa học bồi dưỡng chuyên môn để quảng bá đến các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Nhà trường đã tạo mối quan hệ mật thiết với hơn 80 doanh nghiệp, nhờ đó tạo thuận lợi cho quá trình giảng viên đến thực tập, thực tế và sinh viên được đến thực tập; nhiều doanh nghiệp đã hỗ trợ nhà trường trong việc xây dựng chương trình, giáo trình; trang thiết bị đào tạo.

Thông qua gắn kết doanh nghiệp, 100% chương trình, giáo trình của nhà trường đều được doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến, đây là điểm mấu chốt nhằm đào tạo người lao động đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Gắn kết doanh nghiệp còn tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo thông qua hợp đồng liên kết đào tạo. Trường là đơn vị chủ trì đào tạo, doanh nghiệp là đơn vị phối hợp liên kết đào tạo.

     Từ những năm 2000, nhà trường đã liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo theo đơn đặt hàng. Năm 2010, đào tạo 30 công nhân nghề điện theo đơn đặt hàng của Nhà máy sữa Vinamilk Bình Định; năm 2016, đào tạo 38 học viên Cao đẳng Công nghệ ô tô theo đơn đặt hàng của Trung tâm đào tạo nghiệp vụ giao thông vận tải Bình Định; năm 2018, đào tạo bồi dưỡng kỹ năng dạy học cho 140 nhà giáo giáo dục nghề nghiệp và người dạy nghề cho lao động nông thôn tại tỉnh Gia Lai theo đơn đặt hàng của Sở Lao động - Thương binh Xã hội tỉnh Gia Lai; năm 2019, đào tạo cho 26 nhân viên kỹ thuật theo đơn đặt hàng Trung tâm kỹ thuật Viettel Bình Định. Trong thời gian tới nhà trường tiếp tục đẩy mạnh việc liên kết đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, nhằm đáp ứng thị trường lao động ngày càng lớn và phong phú về nhóm ngành nghề.

     Bên cạnh đó, nhà trường đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác với hai công ty: Công ty TNHH MTV cung ứng và xuất nhập khẩu lao động Bình Định, Công ty cổ phần hợp tác đầu tư Giáo dục quốc tế có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh về hợp tác mở lớp đào tạo tiếng Nhật, tuyển sinh thực tập sinh làm việc tại Nhật Bản, liên kết đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề nghề hàn theo yêu cầu, tạo nhiều cơ hội cho sinh viên được lao động tại Nhật Bản.  

     Xác định kết nối doanh nghiệp là tất yếu để có thể hỗ trợ nhà trường trong đào tạo. Đến nay, nhà trường đã có những liên kết, hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp trong việc đưa HSSV đến thực tập tại doanh nghiệp với thời lượng từ 4 đến 10 tháng tùy theo hệ, nghề đào tạo. Hiện tại, trường đã ký kết thoả thuận hợp tác với hơn 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để triển khai công tác này như: Ô Tô Trường Hải, Tập đoàn Hòa Phát (Quảng Ngãi), các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Biên Hoà, Bình Dương, TP.HCM, các nhà máy tại Khu kinh tế Dung Quất,… Trong quá trình thực tập tại các doanh nghiệp, HSSV được doanh nghiệp hỗ trợ chi phí đi lại, ăn, ở. Ngoài ra, tùy vào khả năng, kết quả làm việc của mỗi HSSV, các doanh nghiệp còn hỗ trợ thêm một khoản sinh hoạt phí riêng. Các doanh nghiệp đã cam kết sau khi thực tập xong, hoàn thành tốt nhiệm vụ, ra trường nếu các em HSSV muốn quay lại doanh nghiệp làm việc, doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng làm việc chính thức mà không cần phải qua thời gian thử việc. Trong quá trình thực tập tại doanh nghiệp, các em HSSV được doanh nghiệp đánh giá cao về ý thức tổ chức kỷ luật, tay nghề vững vàng, thái độ nghề nghiệp tốt. Hiện một số doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Phụ kiện và Nhà thép Nhất, Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất… đã ký thỏa thuận đặt hàng với nhà trường sinh viên 02 ngành Điện công nghiệp, Cơ khí sau khi các em tốt nghiệp doanh nghiệp sẽ nhận 100% các em vào làm việc tại công ty với mức lương ban đầu trên 07 triệu đồng/tháng.

     Hiện nay, nhiều cá nhân, tập thể trong nhà trường có nhiều hoạt động nhằm kết hợp giảng dạy với sản xuất. Thông qua hoạt động này, giảng viên các khoa nghề có nhiều cơ hội kết nối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngoài trường và giảng viên cập nhật được thực tế công việc, trau dồi thêm kỹ năng, để truyền đạt đến HSSV. HSSV có thêm nhiều cơ hội thực tập nâng cao tay nghề và hứng thú trong học tập khi được tiếp cận với thực tế công việc liên quan đến nghề nghiệp. Với sự năng động nhiều giảng viên đã tham gia vào các dự án lớn để có thể thiết kế, xây dựng những công trình trong và ngoài tỉnh Bình Định. Giảng viên nhà trường hiện nay, ngoài nhiệm vụ chính là giảng dạy việc thực tập tại doanh nghiệp (4 tuần/năm) là nhiệm vụ bắt buộc nhằm mục đích cập nhật kiến thức, công nghệ mới đưa vào bài giảng.

Trong thời gian HSSV thực tập tại doanh nghiệp, Ban Giám hiệu đã đến động viên, nhắc nhở và chỉ đạo bộ phận chuyên trách, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên đến kiểm tra tình hình thực tập, ăn ở và sinh hoạt của HSSV tại các doanh nghiệp, qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của HSSV, chia sẻ, động viên các em trong quá trình thực tập, tạo động lực tốt cho các em yên tâm thực tập nâng cao kỹ năng, tay nghề.

     Sau khi kết thúc đợt thực tập gần 100% học sinh, sinh viên đều làm báo cáo, được doanh nghiệp nhận xét đánh giá gửi kết quả về nhà trường, thông qua đó nhà trường có cơ sở đánh giá kết quả thực tập của HSSV để có hướng chỉ đạo cho các đợt thực tập sau tốt hơn.

     Gắn kết với doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo là công tác trọng tâm của nhà trường hiện nay. Đào tạo và quan hệ doanh nghiệp là hoạt động then chốt nhằm tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường - doanh nghiệp - người học, đây là vấn đề lợi ích giữa ba bên:

     - Đối với Nhà nước: Giảm tỷ lệ thất nghiệp; tăng nguồn thu thuế; giảm chi phí cho trợ cấp thất nghiệp.

     - Đối với doanh nghiệp: Đầu tư vào nguồn lao động có kỹ năng trong tương lai sẽ giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động; Giảm chi phí tuyển dụng nhân sự; giảm nguy cơ thiếu hụt nhân lực cho các vị trí việc làm trong doanh nghiệp; nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp trong cộng đồng và xã hội.

     - Đối với HSSV: Qua học nghề sẽ có thu nhập cao, ổn định; giảm nguy cơ thất nghiệp, giải quyết được vấn đề việc làm.

3. Kết luận

     Thời gian qua, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn đã thấy rõ lợi ích của việc gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm cho HSSV; trong xây dựng chương trình; giáo trình và hỗ trợ nhà trường về trang thiết bị đào tạo; công nghệ mới phục vụ giảng dạy phù hợp với sự phát triển của khoa học và công nghệ hiện nay, trong nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo. Điều này, giúp HSSV của nhà trường sau tốt nghiệp có thể đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, có thu nhập tốt và đó chính là thành công của nhà trường thông qua hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Để việc gắn kết với doanh nghiệp đem lại hiệu quả, trong quá trình thực hiện nhà trường có những chia sẻ:

     Thứ nhất, Nhà nước cần có cơ chế chính sách mở, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đào tạo nghề nghiệp. Phải nâng cao nhận thức và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đồng thời, có cơ chế pháp lý ràng buộc doanh nghiệp phải có trách nhiệm với việc đào tạo này, vì chính doanh nghiệp là chủ thể hưởng lợi ích rất lớn.

     Thứ hai, làm tốt công tác truyền thông về vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo nghề nghiệp. Tăng cường hơn nữa việc hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp.

     Thứ ba, xây dựng đội ngũ làm công tác đào tạo nghề trong các doanh nghiệp đó là người lãnh đạo, những nhà quản lý, kỹ sư...,  bằng cách đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho cho những người có chuyên môn, tay nghề trong các doanh nghiệp, tạo điều kiện để họ tham gia có hiệu quả vào tất cả các khâu của quá trình đào tạo: từ phát triển chương trình, xây dựng kế hoạch giảng dạy, giảng dạy, kiểm tra, thi, đánh giá kết quả học tập của HSSV.

TS. Võ Thị Tuyết Nhung, Phó Hiệu trưởng phụ trách

Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn

                           (bài được đăng tại diễn đàn Quốc gia nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam)